BLANTERSWIFT101

Ba lưu ý không nên bỏ qua khi mua đất thổ cư

29 tháng 9, 2018
Không ít người đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi bỏ tiền mua đất nhưng không thể nào xây nhà được do chưa có sổ đỏ hay mệt mỏi kéo dài do dính vào những tranh chấp không đáng có.

Mua được mảnh đất, anh Dũng (quận 7, TP.HCM) định xây nhà cấp 4 nhưng không được phê duyệt do miếng đất anh mua nằm trong khu vực quy hoạch phải xây nhà 4 tầng.
Mua đất rồi, không có khả năng xây nhà theo quy hoạch chung, hàng tháng anh phải đi thuê nhà ở và đang tính đến chuyện bán lại mảnh đất ấy, nhưng lần lữa mãi không bán được vì không ai trả bằng giá lúc anh mua.

Hay trường hợp của chị Minh cũng ngụ tại quận 7, TP.HCM. Chị mua được mảnh đất vuông vức, khá ưng ý nhưng chưa được tách sổ. Chủ đất hứa sẽ tách sổ cho chị khi làm xong giấy tờ, nhưng rắc rối tìm đến khi chủ mảnh đất bất ngờ qua đời. Việc thừa kế chưa được gia đình thống nhất, lại xảy ra tranh chấp dẫn đến việc tách sổ bị dừng lại. Chán nản, mệt mỏi do chưa có sổ đỏ, dù có đất nhưng chị vẫn không thể xây nhà.

Không am hiểu về pháp lý, người mua đã gặp không ít rắc rối khi mua đất ở. Vậy khi mua đất thổ cư, cần phải lưu ý những điều gì?

Trước tiên, cần hiểu khái niệm đất thổ cư là chỉ đất dùng để ở. Luật đất đai 2013 quy định, đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, nghĩa là gồm cả đất ở đô thị và nông thôn. Loại đất này dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ đời sống dân cư. Ngoài ra, đất vườn ao gắn với nhà ở trên cùng một thửa đất thuộc khu dân cư cũng đã được nhà nước công nhận là đất ở.


Tìm hiểu thông tin về mảnh đất

Những thông tin chung về mảnh đất như vị trí, quy hoạch khu vực, hạ tầng giao thông, tiện ích xung quanh… là những điều bạn cần phải nắm rõ trước khi đưa ra quyết định mua vì nó tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn và gia đình.

Vị trí mảnh đất bạn mua phải đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của bạn như thuận tiện đến cơ quan làm việc, có hệ thống trường học, chợ cho việc sinh hoạt. Và trên hết là khu vực đó có đảm bảo được an ninh, giao thông thuận tiện cho việc đi lại.

Bạn có thể kiểm tra từ hồ sơ địa chính của Sở Tài nguyên Môi trường về pháp lý để đảm bảo mảnh đất không nằm trong diện bị giải tỏa hay quy hoạch dự án của khu vực.

Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu xem khu vực đó có yêu cầu gì về việc xây dựng nhà ở hay không. Một số dự án thậm chí còn quy định các ngôi nhà trong khu vực phải có bộ mặt bên ngoài giống hệt nhau. Một số chỉ yêu cầu các căn nhà phải được thiết kế có chiều cao từng tầng, chiều cao ô-văng, cửa đi, cửa sổ theo quy định quản lý để đảm bảo thể thống nhất và hài hoà chung của khu vực. Bạn nên hỏi kỹ về tình trạng được cấp phép xây dựng của thửa đất để tránh trường hợp khi mua được đất rồi không có khả năng xây nhà.

Khi làm hợp đồng với chủ mảnh đất, bạn cần thật sự cẩn thận và tốt nhất nên có người am hiểu luật pháp cố vấn để đảm bảo tính pháp lý của mảnh đất thổ cư của bạn.

Đất phải có sổ đỏ riêng

Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định đến tính pháp lý của mảnh đất. Tốt nhất bạn nên mua đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hợp pháp của chính mảnh đất mình cần mua nhằm tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu có thu hồi.

Ngoài ra bạn cũng cần xem xét kỹ diện tích của mảnh đất trong sổ đỏ gốc để tránh nhầm lẫn việc mảnh đất đang nằm trong một thửa lớn hơn hoặc có quy hoạch lộ giới mà không biết. Việc nằm trong một “sổ chung” tức là mảnh đất bạn mua chưa có sổ đỏ riêng. Hơn nữa, vì mua đất chưa có sổ, bạn sẽ không biết bao giờ mới nhận được sổ, trong khi các quy định về tách sổ của thành phố tương đối phức tạp, đất phải có diện tích phù hợp, phải có sẵn hạ tầng... Nếu quyết định vội vàng, bạn sẽ có nguy cơ "tiền mất tật mang".

Cũng có trường hợp đất có dính quy hoạch lộ giới nhưng khi xem sổ đỏ bạn không để ý. Thực chất mảnh đất bạn mua có diện tích nhỏ hơn. Khi xây nhà, bạn không được xây hết phần đất hoặc phải làm cam kết nếu sau này mở rộng lộ giới thì chịu mọi chi phí tháo dỡ nhà.

Cẩn thận hợp đồng

Khi mua đất, cần thận trọng trong những vấn đề liên quan tới hợp đồng mua đất. Hợp đồng phải có chữ ký xác nhận của cả chồng và vợ (bên bán), bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình nhằm tránh tranh chấp về tài sản sau đó.

Đối với trường hợp đất là tài sản thừa kế, trước khi làm hợp đồng đặt cọc, các thành viên được thừa kế phải cùng ký vào biên bản đồng ý bán đất. Có như vậy bạn mới chắc chắn và không sợ tranh chấp giằng co.

Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn luật sư Hà Nội, hiện nay pháp luật quy định việc mua nhà, đất cần được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, việc mua bán bằng các hợp đồng viết tay không có giá trị pháp lý. Người mua sẽ không thể dựa vào hợp đồng viết tay để làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng, do vậy sẽ rơi vào thế yếu khi tranh chấp xảy ra.

Do đó, tất cả các hợp đồng và thỏa thuận liên quan đến việc mua đất cần được công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý, giao dịch mua bán được pháp luật công nhận và bảo hộ. Đây chính là căn cứ pháp lý khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra các bên liên quan đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo CafeLand
Facebook.com/NhatrangRealty