BLANTERSWIFT101

Cùng ăn đất: người chết, kẻ giàu

25 tháng 9, 2018
Dạo gần đây, cứ cách một đến hai tuần, lại thấy các báo đưa tin cán bộ từ cấp xã trở lên bị bắt, bị kỷ luật vì sai phạm liên quan đất đai. Theo cách hiểu hiện nay, đa số những người sai phạm liên quan đất đai là người “ăn đất”!

Động từ “ăn đất”, theo cách hiểu nôm na hay cách nói bóng gió của nhiều người trong xã hội, có hai nghĩa ám chỉ. Một nghĩa là “chết”, một nghĩa là “giàu có”.
Người dân ăn nói hàng ngày đã dùng từ “ăn đất” với nghĩa làm bạn với giun dế - tức là chết - từ cả trăm năm nay hoặc hơn.

Còn từ “ăn đất” với nghĩa giàu có mới xuất hiện chừng 20 năm nay. Ăn đất giàu có chỉ những người lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật để biến đất công hay đất của người yếu thế thành đất của “Ông”, rồi sang tay hay làm dự án, bán hốt tiền vô số, lợi nhuận không ngành sản xuất, kinh doanh nào bằng.

Trong thời gian qua, nhiều người ăn đất mà giàu, từ cán bộ xã đến cán bộ cấp cao hơn nữa, cùng những người trong đường dây. Có những vụ đã được phanh phui, nhiều người đã bị kỷ luật hay vô tù. Tòa cũng buộc họ bồi thường tiền bạc, nhưng thường thì thu không được bao nhiêu vì họ đã kịp tẩu tán. Do vậy, sau khi ra tù họ vẫn còn giàu từ ăn đất.

Cách đây hơn 10 năm, khi làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Hùng Võ đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp xử lý tham nhũng đất đai. Trong một bài bài trả lời phỏng vấn của báo chí vào năm 2006, ông Võ cho rằng nguyên nhân sâu xa là do bất động sản có khả năng sinh lợi rất nhiều, chỉ cần trong tay có một mảnh đất thì hôm sau kiếm được giá gấp đôi. Nguyên nhân nữa là do hệ thống quản lý đất đai lỏng lẻo, chưa giám sát được những trường hợp tham nhũng. Để ngăn chặn hiện tượng này, sự công khai hóa vị trí tái định cư, công khai hóa danh sách những người được xét duyệt vào khu giãn dân, khu tái định cư, công khai hóa dự án, quyết định giao đất, đặc biệt là giao đất ở, thu hồi đất... phải được thực hiện. Tất cả những công khai hóa ấy sẽ làm cho việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trở nên hợp pháp.

Việc buông lỏng quản lý đất đai đã dẫn đến những sai phạm, trong đó không loại trừ động cơ tham nhũng, mà ông Võ nói từ hơn 10 năm trước, rất tiếc là đến bây giờ vẫn y như vậy. Có thể dẫn ra một loạt vụ việc sai phạm đất đai gần đây nhất, chỉ trong vài tháng qua, được các cơ quan chức năng công bố. Chẳng hạn hồi tháng 7, UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã chỉ đạo xử lý các cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm của một chủ tịch xã trong việc hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt 13 lô đất giao cho người thân trong gia đình (*). Hay như hồi tháng 8, một vị phó chủ tịch thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, mà theo thông tin ban đầu, ông này cùng các đồng phạm có các sai phạm liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với nhiều lô đất trái quy định (**). Trước đó nữa là nhiều vụ sai phạm đất đai tại Đà Nẵng mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ thêm để kiến nghị biện pháp xử lý.

Còn về việc công khai các danh mục liên quan đến đất đai như là một trong những giải pháp để hạn chế tham nhũng đất đai, lại cũng rất tiếc là cho tới nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Do vậy, muốn xóa nạn ăn đất, bên cạnh việc xử lý đúng người, đúng tội, xử một người để cứu nhiều người, cần thúc đẩy công khai đầy đủ các danh mục đất đai liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân (đất tái định cư, đất dự án, các quyết định thu hồi đất, giao đất...).

(*) https://news.zing.vn/thu-hoi-13-lo-dat-do-nguyen-chu-tich-xa-chiem-giao-cho-nguoi-than-post859598.html

(**) https://dantri.com.vn/phap-luat/khoi-to-bat-giam-pho-chu-tich-ubnd-tp-viet-tri-le-sy-hong-20180828103356776.htm

Theo Pha Lập/TBKTSG

NhatrangRealty.vn🌺fb.com/NhatrangRealty