BLANTERSWIFT101

Cách mua nhà trên giấy không sập 'bẫy bánh vẽ'

28 tháng 12, 2018
Việc mua nhà trên giấy luôn tồn tại nhiều rủi ro cho khách hàng, vì vậy, làm thế nào để hạn chế rủi ro khi đầu tư loại hình này luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings cho rằng, để tránh sập bẫy lừa, không còn cách nào khác ngoài việc khách hàng hãy là những nhà đầu tư thông thái.

Trong thời kỳ bùng nổ về thông tin như hiện nay, các khách hàng sẽ rất dễ dàng để tìm hiểu về chủ đầu tư, về dự án trước khi quyết định. Khách hàng nên xác định rõ năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư, tiến độ của dự án, cũng như các cam kết liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Mua nhà hình thành trong tương lai khách hàng nên thận trọng. (Ảnh: Ngọc Vy)

Đây sẽ là các bước rất quan trọng để khách hàng có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho mình.

"Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Khi khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai của HD Mon, chúng tôi đã phải xây dựng đến cốt 00, có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán nhà của Sở Xây dựng cũng như chứng thư bảo lãnh cho người mua nhà.

Các dự án của chúng tôi đều xây dựng các khu nhà mẫu để khách hàng có thể cảm nhận một cách tổng quan, thực tế nhất căn hộ mà khách hàng muốn mua", ông Tuấn nói.

Còn theo bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, khi doanh nghiệp làm dự án cũng kỳ vọng dự án sẽ phát triển, đa số khách hàng đòi quyền lợi nhiều hơn, có nhiều yếu tố khiến khách hàng lọ ngại.

Nhưng theo bà Diễm, để đảm bảo việc mua bán nhà hình thành trong tương lai ít rủi ro thì điều kiện tiên quyết phải là chủ đầu tư uy tín. Bởi họ phát triển nhiều dự án uy tín thì tình trạng rủi ro với khách hàng không còn nhiều nữa.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, ngoài việc chủ đầu tư uy tín, muốn đảm bảo mua dự án hình thành trong tương lai có hiệu quả thì khách hàng phải tìm hiểu thật kỹ rằng dự án đó có ngân hàng nào đang bảo lãnh. Khi ký hợp đồng 3 bên thì như thế nào, cần thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án. Như thế, khi mua nhà khách hàng sẽ yên tâm hơn.

Luật sư Bùi Sinh Quyền cũng cho rằng, việc mua bán nhà trên giấy luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi pháp luật đã trao cho chủ đầu tư quyền tự quyết định bán sản phẩm của họ mà không có cơ quan giám sát.

Để giải quyết tình trạng này, tại sao chúng ta không thiết lập hệ thống quản lý sản phẩm hình thành trong tương lai giống như đã thiết lập hệ thống mạng Uchi đối với bất động sản đã được cấp giấy chứng nhận.

Nếu thiết lập được hệ thống mạng, những dự án nhà ở hình thành trong tương lai cần phải được đăng ký và quản lý bằng hệ thống mạng, tất cả các thành viên đăng kí tham gia hệ thống này sẽ tra được thông tin. Như vậy, cho dù quyền bán sản phẩm thuộc về chủ đầu tư, nhưng nếu cơ cơ quan thứ 3 giám sát xác nhận (cơ quan có thể truy nhập mạng quản lý sản phẩm, luật sư và công chứng trước khi tư vấn cho khách hàng phải kiểm tra có sự chuyển dịch nào chưa thì sản phẩm được mua bán thành công) thì sẽ không có sự "nhập nhằng", khách hàng không lo "ăn bánh vẽ" khi mua nhà.

Theo Ngọc Vy
VTC News