BLANTERSWIFT101

6 sai lầm khi vay ngân hàng mua nhà trả góp

30 tháng 9, 2019
Mua nhà chung cư trả góp là giải pháp tối ưu cho những người muốn sở hữu tổ ấm riêng với ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, với phương án này, người mua cũng dễ mắc phải 6 sai lầm cơ bản khiến bản thân rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.

1. Xác định khoản vay chưa hợp lý
Các ngân hàng hiện nay đưa ra gói hỗ trợ vay lên tới 70% giá trị căn hộ, thậm chí, nếu khách hàng có thêm tài sản đảm bảo là bất động sản khác, họ có thể vay vốn 100% giá trị căn nhà định mua.

Tuy nhiên, trước khi quyết định vay, bạn phải cân nhắc kỹ vấn đề thu nhập cá nhân, khả năng chi trả nợ gốc và lãi suất hàng tháng. Nếu khả năng trả nợ không cao, bạn nên điều chỉnh khoản vay cho hợp lý, thậm chí dừng luôn việc vay vốn. Cố chấp vay một khoản tiền quá sức chi trả sẽ chỉ khiến bạn sa lầy trong nợ nần. Hồ sơ vay vốn của bạn có thể cũng không được ngân hàng xét duyệt vì quá nhiều rủi ro.

Để hạn chế áp lực chi trả, người mua nên chọn gói vay sao cho việc trả nợ chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu nhập trong tháng. Sau khi vay tiền, bạn phải cân đối thu chi hàng tháng đồng thời lên kế hoạch chi tiết lộ trình trả nợ để tránh rủi ro nợ nần chồng chất.


Xác định khoản vay không hợp lý là sai lầm phổ biến của nhiều người khi vay mua nhà trả góp. Ảnh minh họa

2. Không tìm hiểu và cân nhắc các chương trình vay mua nhà

Với những dự án có tiềm năng sinh lời cao, các ngân hàng sẵn sàng liên kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà. Sự tham gia của càng nhiều ngân hàng càng khiến cho thị trường trở nên sôi động với nhiều chương trình cho vay hấp dẫn. Tuy nhiên, vì mỗi ngân hàng đều có đặc trưng riêng về thủ tục, thời hạn, lãi suất… nên bạn phải tìm hiểu kỹ để chọn được ngân hàng cũng như gói vay phù hợp nhất với mình.

3. Lựa chọn thời hạn vay chưa phù hợp
Tâm lý không muốn mang nợ và trả lãi trong thời gian dài khiến nhiều người quyết định chọn gói vay ngân hàng ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này lại gây ra áp lực tài chính nặng nề cho người vay, đặc biệt là những khách hàng có thu nhập không ổn định, không có khả năng trả hết nợ gốc và lãi chỉ trong một thời gian ngắn. Do đó, bạn nên tính toán kỹ thu nhập thực tế và số tiền muốn vay để cân nhắc thời hạn vay cho phù hợp.

Nếu thu nhập thấp, bạn nên kéo dài thời hạn vay để giảm áp lực trả nợ ngân hàng hàng tháng. Ví dụ, nếu bạn vay ngân hàng 600 triệu đồng trong 1 năm, mỗi tháng bạn sẽ phải trả dư nợ gốc 50 triệu đồng kèm lãi. Nhưng nếu chọn thời hạn vay là 5 năm, mỗi tháng bạn chỉ phải trả 10 triệu đồng tiền dư nợ gốc kèm lãi.



Lựa chọn thời hạn vay phù hợp giúp hạn chế tối đa áp lực chi trả. Ảnh minh họa

4. Không để ý các quy định về lãi suất

Tâm lý đi vay ai cũng mong được lãi suất thấp nhất, tuy nhiên lãi suất thấp luôn kéo theo nhiều điều kiện và chưa chắc đã an toàn. Hầu hết khách hàng chỉ quan tâm đến lãi suất ưu đãi trong giai đoạn đầu tiên mà không biết rằng hết kỳ hạn đó, lãi suất sẽ được “thả nổi”, thay đổi tùy theo biên độ và quy định của từng ngân hàng.

Để chọn được gói vay với lãi suất phù hợp, cách tốt nhất là bạn phải chủ động tìm hiểu thông tin, xem xét thời gian ưu đãi của gói vay là bao lâu, lãi suất sau ưu đãi được tính thế nào. Khi vay cần hỏi rõ nhân viên ngân hàng cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng... rồi hãy quyết định.

5. Không đọc kỹ hợp đồng

Khi thực hiện giao dịch vay vốn ngân hàng mua nhà trả góp, nhiều khách hàng thường phó mặc cho chuyên viên tư vấn mà không quan tâm, đọc kỹ hợp đồng. Đây là một sai lầm nghiêm trọng bởi nếu đặt bút ký trong khi bản thân không hiểu và nắm rõ được các điều khoản, khi có sự cố xảy ra, bạn sẽ là người phải hứng chịu thiệt hại.

Để chắc chắn, bạn nên nhờ luật sư hoặc những người có kinh nghiệm vay vốn ngân hàng xem xét các nội dung hợp đồng. Trường hợp phát hiện điểm bất hợp lý phải phản hồi ngay với ngân hàng để được giải đáp, hoặc đàm phán để đi đến thỏa thuận.


Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký vay vốn ngân hàng để mua nhà. Ảnh minh họa

6. Thanh toán trước hạn trong hợp đồng
Mệt mỏi vì những khoản nợ phải đều đặn chi trả hàng tháng, nhiều người quyết định tất toán dứt nợ trước cả thời hạn trong hợp đồng với ngân hàng. Kết quả là họ bị ngân hàng phạt thanh toán trước hạn, hay còn gọi là thu phí trả nợ trước hạn. Mức phí này được tính theo công thức: (Tỷ lệ phí trả nợ trước hạn) x (Số tiền trả trước). Trong đó, tỷ lệ phí trả nợ trước hạn là phần trăm sẽ bị phạt được ghi trong hợp đồng trước đó; số tiền trả trước là số tiền khách hàng còn vay và giờ trả hết (số tiền còn nợ).

Dĩ nhiên, nếu người vay có điều kiện chi trả thì việc tất toán trước hạn là một phương án tốt để sớm dứt nợ, ngăn chặn việc lãi mẹ đẻ lãi con. Nhưng để tránh những rắc rối có thể xảy ra và phải mất một khoản tiền không nhỏ khi tất toán trước hạn, người vay phải nghiên cứu kỹ các điều khoản, đặc biệt lưu ý mức phí tất toán trước hạn, phí nợ quá hạn rồi mới đặt bút ký hợp đồng với ngân hàng.

Linh Phương (TH)
(Theo TC Thanh niên)

Theo dõi và like Fanpage chúng tôi: Facebook.com/NhatrangRealty