Khi nào con có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ?
- Người sử dụng là đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp.
Trong đó, người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) phổ biến nhất là hộ gia đình, cá nhân.
Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Như vậy, con cái có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ nếu:
- Có quan hệ huyết thống (con đẻ), nuôi dưỡng (con nuôi);
- Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
- Cùng nhau đóng góp, cùng nhau tạo lập nên quyền sử dụng đất.
Vì có chung quyền sử dụng nên sẽ có đầy đủ các quyền như chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất.
Con cái có quyền ngăn cản bố mẹ bán đất (Ảnh minh họa)
Cha mẹ bán đất phải được sự đồng ý của con cái?
Theo khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Cụ thể:
Theo khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người có tên trên Sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thủ tục sang tên Sổ đỏ) thì phải có văn bản của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình đã được công chứng hoặc chứng thực.
Từ những quy định trên cho thấy, khi cha mẹ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đất của hộ gia đình thì phải có sự đồng ý của con dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực nếu con có chung quyền sử dụng đất.
Kết luận:
1. Con cái chung quyền sử dụng đất với cha mẹ nếu là con đẻ hoặc con nuôi và đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất và cùng nhau đóng góp, cùng nhau tạo lập nên quyền sử dụng đất.
Hoặc có thể hiểu đơn giản là trong Sổ đỏ ghi là cấp cho "Hộ gia đình" thì các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất với điều kiện sống chung và có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (sinh ra sau thời điểm này thì không có quyền sử dụng đất chung).
2. Cha mẹ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được sự đồng ý của con bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực nếu con cái có chung quyền sử dụng đất.
Hay nói cách khác, con cái có quyền ngăn cản cha mẹ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu có chung quyền sử dụng đất với bất kỳ lý do gì miễn là không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Khắc Niệm (theo luatvietnam.vn)
Theo dõi trên Fanpage chúng tôi: Facebook.com/NhatrangRealty
0 Comment
more_vert