BLANTERSWIFT101

Thừa phát lại không được lập vi bằng mua, bán nhà, đất

4 tháng 4, 2020
Trên thực tế, có không ít trường hợp mua bán nhà, đất không làm hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất mà lại giao dịch bằng giấy tay hoặc làm vi bằng tại văn phòng thừa phát lại (TPL).

Những giao dịch này chủ yếu đối với nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ và thường được mua bán với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Tuy nhiên, để bán được sản phẩm, nhiều cò đất, người bán vẫn cam kết vi bằng cũng có giá trị.

Những lời mời chào này khiến nhiều người dân lầm tưởng vi bằng cũng giống như hợp đồng mua bán nhà, đất được công chứng nên an tâm mua bán. Về sau, nếu xảy ra tranh chấp thì người mua bán bất động sản bằng vi bằng sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh tính hợp pháp của giao dịch.


Theo một trưởng văn phòng TPL tại TP.HCM, trước đây có một số văn phòng TPL lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan đến bất động sản. Về sau, việc lập vi bằng như vậy đã bị một số người dân nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán nhà, đất. Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, Sở Tư pháp đã ra quy định không cho phép các văn phòng TLP lập những vi bằng có liên quan đến việc mua bán bất động sản nữa.

Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh TPL không có chức năng lập biên bản, vi bằng cho các giao dịch mua bán nhà, đất. Việc TPL lập vi bằng việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản là trái luật. Sở Tư pháp TP.HCM cũng từng có công văn gửi thông báo với nội dung trên địa bàn TP không được lập vi bằng việc mua bán nhà, đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận bất động sản, giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì thế, vi bằng không có giá trị pháp lý trong giao dịch nhà, đất mà chỉ có giá trị trong một số trường hợp như lập vi bằng tống đạt của tòa án và các việc khác theo quy định của pháp luật về chức năng TPL.
Tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8-1-2020, quy định về tổ chức của hoạt động của TPL có nêu các trường hợp không được lập vi bằng như sau:
- TPL không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình.
- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng.
- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật...

Theo Nguyễn Châu - Võ Hà (PLO)

Dịch vụ ký gửi & hỗ trợ pháp lý Nhà đất uy tín #1 tại Nha Trang - Diên Khánh.